Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2
Hôm qua : 31
Tháng 11 : 72
Tháng trước : 86
Năm 2024 : 797
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TUYÊN TRUYỀN CHUYỂN ĐỔI SỐ

TUYÊN TRUYỀN VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ CHO NGƯỜI DÂN

TRÊN ĐỊA BÀN XÃ YÊN MỸ NĂM 2024

1. Tầm quan trọng của Chuyển đổi số

Chuyển đổi số là quá trình ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực của đời sống nhằm nâng cao hiệu quả công việc, tiết kiệm thời gian, chi phí, và tạo ra nhiều giá trị mới cho xã hội.

Công nghệ số đã thay đổi mô hình tương tác của con người (từ học tập, làm việc, giải trí và giao tiếp...) ở nhiều cấp độ khác nhau theo những cách sâu sắc mà chúng ta không thể bỏ qua. Việc biết cách khai thác, sử dụng kỹ năng số theo hướng có lợi, phục vụ người dân ngày càng trở nên quan trọng, mở ra vô vàn cơ hội mới để người dân được chủ động tham gia vào một xã hội đang phát triển.

Ở Việt Nam, chuyển đổi số là một trong những chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đối với người dân, chuyển đổi số sẽ giúp tạo cơ hội tiếp cận với thông tin, kỹ năng và các dịch vụ công trực tuyến một cách dễ dàng. Đối với người dân khu vực nông thôn, quá trình này cũng sẽ giúp người dân tận dụng tốt các ứng dụng số trong sản xuất nông nghiệp, thương mại điện tử và giáo dục, góp phần cải thiện đời sống kinh tế và xã hội, từng bước hình thành công dân số.

2. Lợi ích thiết thực của chuyển đổi số cho người dân

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích thiết thực, có tác động trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân, bao gồm:

- Tiếp cận thông tin và kiến thức một cách nhanh chóng: Người dân có thể dễ dàng tìm kiếm các thông tin cần thiết như giá cả nông sản, kỹ thuật sản xuất, thời tiết, và kiến thức y tế qua các ứng dụng và nền tảng số. Việc này giúp tiết kiệm thời gian và công sức, tránh phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn tin không chính thống hoặc không đầy đủ.

- Sử dụng dịch vụ công trực tuyến tiện lợi: Thay vì phải đến các cơ quan nhà nước để thực hiện các thủ tục hành chính, người dân có thể truy cập dịch vụ công trực tuyến từ điện thoại thông minh hoặc máy tính. Các thủ tục như xin giấy khai sinh, đăng ký hộ khẩu, cấp giấy tờ hành chính đều có thể thực hiện qua mạng, giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho người dân và nâng cao sự minh bạch của cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương.

- Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản: Thương mại điện tử là một trong những lợi ích nổi bật mà chuyển đổi số mang lại. Người dân có thể bán nông sản trực tiếp cho người tiêu dùng qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, hoặc qua các nhóm, trang mạng xã hội, không cần qua trung gian. Điều này giúp sản phẩm có giá trị cao hơn, đồng thời mở ra thị trường rộng lớn hơn cho nông sản địa phương.

Nếu như trước đây, người dân mang hàng ra chợ bán thì chỉ tiếp cận được vài chục đến vài trăm người trong khu vực địa lý hạn chế của mình. Còn hiện nay, với thương mại điện tử, người dân có thể bán hàng cho hàng triệu người, trên toàn thế giới. Chỉ cần mỗi người dân có một chiếc điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang (Internet) là có thể trở thành một doanh nghiệp và có thể tiếp cận với cả thế giới.

- Thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, nhanh chóng: Các ứng dụng thanh toán điện tử như ViettelPay, ZaloPay... hoặc các dịch vụ ngân hàng giúp người dân thanh toán các dịch vụ một cách nhanh chóng, an toàn, không cần phải giữ nhiều tiền mặt. Điều này cũng giúp giảm thiểu rủi ro mất mát và tạo sự tiện lợi trong các giao dịch hàng ngày.

- Giáo dục và y tế từ xa: Chuyển đổi số giúp người dân có thể tiếp cận với giáo dục và y tế một cách thuận tiện. Trẻ em có thể học trực tuyến qua các nền tảng học tập, còn người dân có thể đăng ký khám chữa bệnh từ xa, tư vấn sức khỏe qua mạng, đảm bảo chăm sóc sức khỏe kịp thời.

3. Những việc cần làm để tham gia Chuyển đổi số

Để bắt đầu quá trình chuyển đổi số, mỗi người dân cần có ý thức chủ động học hỏi và sử dụng công nghệ vào cuộc sống hằng ngày. Sau đây là một số việc mà người dân cần làm:

- Nắm vững các kỹ năng số cơ bản: Hãy làm quen với các thao tác cơ bản như sử dụng điện thoại thông minh, tra cứu thông tin, gửi và nhận tin nhắn, hình ảnh qua các ứng dụng như Zalo, Facebook.

- Tham gia các lớp tập huấn về công nghệ: Chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước tổ chức các lớp tập huấn về công nghệ, dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử. Vì vậy người dân hãy tham gia để nắm bắt những kiến thức cần thiết, sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số.

- Sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh (địa chỉ https://dichvucong.backan.gov.vn) hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia: Người dân hãy bắt đầu sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thực hiện các thủ tục hành chính từ xa để tiết kiệm thời gian và công sức. Thanh toán điện tử qua các ứng dụng cũng là một bước tiến giúp thuận tiện và đảm bảo an toàn thông tin cho người dân.

- Mua bán trực tuyến và quảng bá sản phẩm nông sản: Nếu có sản phẩm hàng hóa, nông sản, hãy thử và bán hàng trực tuyến qua các trang thương mại điện tử hoặc mạng xã hội để quảng bá sản phẩm đến nhiều người tiêu dùng hơn.

- Giữ gìn an toàn thông tin cá nhân: Khi tham gia vào các hoạt động trực tuyến, người dân cũng cần nắm vững các biện pháp an toàn để bảo vệ thông tin cá nhân, tránh bị lừa đảo và các rủi ro từ mạng internet. Khi có kỹ năng số giúp người dân  chúng ta cập nhật thông tin về các vấn đề an ninh, các kỹ năng an toàn, tự bảo vệ bản thân và giúp liên hệ nhanh chóng với các cơ quan  chức năng, sự hỗ trợ của cộng đồng trong trường hợp khẩn cấp.

Người dân đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản do các đối tượng chỉ định để phòng tránh lừa đảo trực tuyến.

4. Để trở thành công dân số, người dân cần phải làm gì?

-Người dân cần trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng số cơ bản, sử dụng thiết bị thông minh: Mỗi người dân cần có một thuê bao điện thoại có thông tin cá nhân chính xác, bảo mật và có một chiếc điện thoại thông minh; học cách sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, máy tính và các thiết bị công nghệ khác. Chủ động học hỏi và tích cực tham gia vào các hoạt động sử dụng công nghệ số trong đời sống hàng ngày.

- Sử dụng các dịch vụ công trực tuyến:

Thực hiện các thủ tục hành chính qua các Cổng dịch vụ công của tỉnh (địa chỉ https://dichvucong.backan.gov.vn) hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia: thay vì đến trực tiếp cơ quan nhà nước. Các dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức, tiết kiệm chi phí và tạo sự thuận tiện trong việc thực hiện các thủ tục hành chính như đăng ký giấy khai sinh, chứng thực hồ sơ, xin cấp giấy phép và các giấy tờ cần thiết khác.

- Áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt

Sử dụng các ứng dụng thanh toán trực tuyến hoặc dịch vụ ngân hàng trực tuyến để thanh toán phí lệ phí các dịch vụ công trực tuyến; thanh toán hóa đơn điện, nước, mua sắm, chuyển tiền. Thanh toán không dùng tiền mặt giúp giao dịch an toàn, nhanh chóng và tránh phải giữ nhiều tiền mặt dễ xảy ra rủi ro mất tiền.

- Bán hàng và mua sắm trực tuyến

Khai thác các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada hoặc các kênh mạng xã hội để quảng bá và bán sản phẩm. Người dân cũng có thể mua sắm các mặt hàng thiết yếu một cách dễ dàng qua các nền tảng này.

- Bảo vệ thông tin cá nhân và bảo mật an toàn:

Người dân cần học cách bảo vệ thông tin cá nhân khi tham gia vào các hoạt động trực tuyến, chẳng hạn như không chia sẻ mật khẩu, không nhấn vào các liên kết lạ, nhận diện các hình thức lừa đảo qua mạng, và đặt mật khẩu an toàn.

- Kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin: Ngời dân cần biết cách tra cứu, tìm kiếm thông tin qua Internet, sử dụng các ứng dụng, mạng xã hội như Zalo, Facebook để giao tiếp và cập nhật thông tin.

- Tận dụng công nghệ trong cuộc sống hàng ngày

Sử dụng các ứng dụng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, y tế, giáo dục từ xa... và các ứng dụng hữu ích trong đời sống. Ví dụ, người dân có thể sử dụng các ứng dụng tư vấn sức khỏe từ xa, cập nhật thời tiết, tình hình dịch bệnh,  học trực tuyến, hoặc sử dụng phần mềm quản lý nông nghiệp để tăng năng suất lao động, sản xuất.

- Tham gia các nhóm cộng đồng trực tuyến

Tham gia các nhóm cộng đồng của thôn, xã trên Zalo, Facebook để kết nối, chia sẻ thông tin và cập nhật những thông báo quan trọng từ chính quyền địa phương.

-Nâng cao nhận thức, kỹ năng số và chủ động thích nghi với công nghệ

Trở thành công dân số, người dân không chỉ là việc biết cách sử dụng công nghệ mà còn cần thay đổi tư duy, sẵn sàng tiếp nhận những cái mới và biết cách khai thác công nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với những hành động trên, mỗi người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn sẽ dần trở thành công dân số, tự tin sử dụng công nghệ và đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng và xã hội trong thời đại số hóa một cách hiệu quả và an toàn.

5. Kêu gọi người dânhưởng ứng Chuyển đổi số

Chuyển đổi số không chỉ là trách nhiệm của nhà nước mà còn là cơ hội và nhiệm vụ của mỗi người dân trong xã hội. Khi tham gia vào quá trình này, người dân không chỉ nâng cao hiệu quả cuộc sống mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Bắc Kạn và của đất nước.

Các cơ quan nhà nước của tỉnh và chính quyền địa phương các cấp và các Tổ công nghệ số cộng đồng, tổ triển khai Đề án 06/CP của tỉnh luôn sẵn sàng hỗ trợ và hướng dẫn người dân tiếp cận với công nghệ, sử dụng dịch vụ công trực tuyến;mua, bán hàng qua mạng, và khai thác các ứng dụng số tiện ích. Hãy cùng chung tay, mỗi người dân tỉnh Bắc Kạn là một thành viên tích cực trong cuộc cách mạng chuyển đổi số để từng bước tạo ra Xã hội số - Một cộng đồng thông minh, hiện đại và phát triển.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Danh sách website các đơn vị